5 ngày cân não tại tâm dịch của Đội đặc nhiệm Viettel


Chỉ trong 5 ngày, hơn 1.000 chiếc camera đã được lắp đặt thành công tại 130 địa điểm cách ly ở 125 xã của Bắc Giang. Đó là thành quả các chiến binh quả cảm của VCC, VTS và VTNET trong bộ đồ bảo hộ kín mít đã làm nên tại chảo lửa Covid-19 Bắc Giang.

“Vợ ơi!

Anh xin lỗi vợ, con xin lỗi mẹ, bố xin lỗi các con.

Mẹ vừa mới mổ, vợ nuôi con nhỏ và các con còn bé, nhưng nhiệm vụ đã được Chính phủ và Tập đoàn giao. Nếu anh không vào, anh em sẽ chùn bước.

Em và mọi người cứ coi như anh đang ở trong ngành y, cũng đang ở tiền tuyến. 

Em và mọi người cứ yên tâm. Anh sẽ giữ gìn cẩn thận, cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn em nhé”.

“Nếu ta không vào thì ai sẽ vào?”

Đây là những dòng anh Nguyễn Trọng Đảng viết cho vợ trước ngày lên đường tiến vào vùng dịch. PGĐ Giải pháp CNTT Viettel Bắc Giang vừa nhận một nhiệm vụ đặc biệt: cùng anh em lắp đặt 1.000 camera giám sát cho các khu cách ly y tế trên địa bàn trong thời gian 48 giờ, và với nguồn nhân lực chỉ 56 người (6 đồng chí VTS và 50 đồng chí VCC).

Anh Đảng và đồng đội nhận nhiệm vụ khi Bắc Giang đã trải qua 12 ngày bùng phát Covid-19 kể từ ca mắc đầu tiên vào tối 8/5. Như vết dầu loang, tối 19/5, tỉnh có 605 ca bệnh nhân, đứng đầu cả nước. Tốc độ lây nhiễm nhanh chưa từng có. Thậm chí, ngày 18/5, số ca mắc của Bắc Giang lên tới 200 người. Từ ngày Việt Nam biết tới khái niệm Covid-19, chưa ngày nào số ca mắc lại nhiều đến thế.

Trong lòng “ổ dịch siêu lây nhiễm” Bắc Giang, ai cũng có nguy cơ trở thành F0, đặc biệt là các khu công nghiệp thuộc các xã Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng. Số F1 bắt buộc phải cách ly tập trung lên tới hơn 6.000 người. 

Thôn Nam Ngạn và thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, theo anh Đảng, là 2 trong 3 ổ dịch nóng nhất tỉnh, và trở thành “khu cách ly y tế” từ ngày 19/5/2021. Nhưng những khu cách ly này không kín cổng cao tường như tưởng tượng. Hai thôn Nam Ngạn và Núi Hiểu là một vùng công nghiệp nằm giữa cánh đồng, bốn bề chi chít đường tiếp cận. Khu cách ly cũng nằm sát Bắc Ninh – vùng dân cư đông đúc và chỉ cách con sông Cầu.

Khi đó, ngành y tế Việt Nam xác định phải cách ly toàn bộ F1, ngăn không cho dịch từ khu công nghiệp tràn ra cộng đồng, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong vùng cách ly. Nhưng làm thế nào để bảo toàn an toàn khi số lượng F1 khổng lồ, khu cách ly không có tường kín bao quanh, thậm chí nằm giữa vùng dân cư đông đúc? 

1624715197_37d15f1493278a94011f2c0673838a2a.jpg
Giải pháp mà ngành y tế đưa ra là trang bị camera giám sát. Đó cũng là lý do nhiệm vụ của “đội đặc nhiệm” 1.000 camera y tế ra đời. 

Rạng sáng 20/5, nhóm lắp đặt, triển khai camera có mặt tại Bắc Giang, tâm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước. “Nếu ta không vào thì ai sẽ vào? Nếu chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ này thì lấy đâu ra đủ lực lượng, đủ bộ đội, đủ công an để giám sát các khu cách ly, làm sao kiểm soát được tình hình lây nhiễm tại đây, và bao giờ dịch mới hết?”, anh Đảng nói với anh em “đội đặc nhiệm” ít giờ trước khi bắt tay thực hiện.

Nỗ lực và cộng hưởng

Trước khi bước vào chảo lửa Bắc Giang, “đội đặc nhiệm” đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Anh Đảng nhận thông tin có 27 địa điểm cách ly phải lắp đặt camera, thời gian hoàn thành là 48 giờ. Các điểm lắp cách xa nhau. Trong điều kiện bình thường, nhiệm vụ này vốn đã rất khó khăn với số lượng nhân sự chỉ 56 người. Trung bình, mỗi ngày, một đội 3 người như của anh Đảng chỉ có thể lắp đặt xong 8 mắt. Như vậy, để hoàn thành 1.000 mắt camera cho 27 địa điểm, các kỹ thuật viên phải mất gần một tuần. 

Anh Đảng mất trọn một đêm để nghĩ cách triển khai đúng tiến độ được giao, vừa đảm bảo sức khỏe cho anh em, vừa cam kết về chất lượng để chờ thời điểm được hỗ trợ về nhân lực. Kế hoạch lắp ở đâu trước, ai làm nhiệm vụ gì đều được phân công rất rõ ràng, tuyệt đối không bỏ vị trí để tận dụng tối đa thời gian. Anh Đảng lo từ việc lớn như liên hệ các đầu mối, kết nối các đơn vị chống dịch, lên kế hoạch cho cả đội, đến những việc nhỏ như lo suất cơm, viên thuốc bổ cho anh em trong đội.

Tâm dịch nóng nhất cả nước đón “đội đặc nhiệm” bằng cơn mưa tầm tã. Ngay sau đó, cái nóng hầm hập đổ xuống khiến không gian trở nên nóng nực và đầy khắc nghiệt. Nhưng có một thứ nóng hơn cả thời tiết đó là sự quyết tâm của những con người Viettel trong tâm dịch.

Điểm đầu tiên họ đặt chân đến là Trường THCS Dĩnh Kế (878 Lê Lợi, Dĩnh Kế, Bắc Giang). Tại đây, một học sinh có kết quả dương tính với nCoV, cả trường phải đi cách ly. Ngôi trường quen thuộc biến thành khu cách ly tại chỗ cho 57 thầy trò. 

1624714693_d66840d70f2f728b82c5d735d8a67258.jpg

Thực tế khác xa dự tính

Sau khảo sát của đội, số lượng điểm cách ly từ 27 tăng lên 130 bởi lượng bệnh nhân tăng đột biến. Số camera cần lắp, vì thế cũng tăng từ 1.000 lên 1.330 chiếc. Tình hình dịch tại Bắc Giang trở nên rất nguy cấp. “Gấp nhiều lần dự tính, phải làm sao đây?” – trong đầu vị chỉ huy trưởng hiện lên câu hỏi.

Ngay lập tức, anh họp toàn đội. Họ lần theo bản đồ tỉnh Bắc Giang, đánh dấu từng địa điểm quan trọng, tính toán từng quãng đường đi để mỗi giây phút đều không hoài phí. Anh Đảng biết những người đồng đội của mình ai nấy đều lo lắng. Nhiệm vụ vốn đã khó, nay lại càng trắc trở hơn. 

Giữa không gian còi xe cứu thương hú hét, tinh thần thép của người chiến sĩ Viettel càng thôi thúc, không cho phép anh từ bỏ dù chỉ một tia hy vọng nhỏ nhoi. 

Và hy vọng đã đến khi 50 đồng đội khác từ VTS, VCC, VTNet tới chi viện vào ngày 22/5. Từ những tỉnh khác, họ sẵn sàng dấn thân vào vùng dịch, sát cánh bên những người đồng đội đang căng mình “chiến đấu”.  Đội nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Nhờ sự cộng hưởng từ những người đồng chí, trận đánh của “đội đặc nhiệm” đang rất gần chiến thắng.

Tinh thần thép giữa tâm dịch

Anh Đảng cho biết Bắc Giang có 10 huyện, 125 xã. Để có thể kiểm soát và đồng thời động viên anh em kịp thời, trong thời gian triển khai hầu như ngày nào vị chỉ huy trưởng cũng đi đến các điểm cách ly tập trung. Anh vừa thăm hỏi động viên, vừa tháo gỡ những khó khăn tại địa phương và đồng thời cũng tiếp tế nhiều món quà của các đơn vị gửi về cho Bắc Giang trong mùa dịch.

Nhiều đồng nghiệp khác hoàn cảnh cũng rất khó khăn nhưng ai nấy đều dặn lòng hy sinh cuộc sống riêng, sẵn sàng khi đất nước, tổ chức cần. Một đồng chí phụ trách giải pháp y tế tại tỉnh có vợ vừa sinh đôi. Nhà không có người giúp việc, cha mẹ đã lớn tuổi nên ngày nào, 22h anh về nhà lập tức bế con đỡ cho vợ, trông con đến 3-4h hôm sau. Nhưng 7h, anh đã có mặt tại cơ quan, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của công ty.

Vị chỉ huy trưởng cho hay Công ty Giải pháp CNTT Viettel Bắc Giang có 6 thành viên tham gia “đội đặc nhiệm”. Nhân sự mỏng, mỗi người một nhiệm vụ nên ai nấy đều tự ý thức phân công, đỡ đần nhau trực. Gia đình nào neo người có con nhỏ luôn được ưu tiên ở nhà để người khác đi thay xuống khu cách ly. Anh em còn bàn tính xin ở lại cơ quan để vừa làm việc vừa ở cách ly tại chỗ luôn nhưng sợ ảnh hưởng tới các đồng nghiệp khác nên phương án về nhà riêng vẫn được “tạm” duy trì. 

1624714788_1f8f9c114531dcdb8a013e1fe7cfa78b.jpg

Mỗi ngày, các chiến sĩ Viettel trong tâm dịch lầm việc từ 7h-23h, nhiều hôm, hơn một giờ sáng, họ vẫn chong đèn thi công. Trong bộ đồ chống dịch màu xanh kín mít, họ chỉ có thể nhận ra nhau qua dòng tên ghi vội sau lưng áo. 

Hàng chục giờ liền mặc đồ bảo hộ như những phi hành gia, ở bên trong, quần áo họ ướt sũng. Đôi bàn tay sưng phồng vì cắt, tuốt dây, kéo đường truyền vào từng mắt camera. Ở trên đầu, nắng và mưa vẫn cứ nối nhau như thử thách lòng người.

Nhiều kỹ thuật viên mệt lả, tranh thủ nằm ngủ vài phút ngay dưới nền đất để lấy lại sức tiếp tục chiến đấu. Những bữa cơm vội vã, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân không nguôi và nỗi sợ thường trực. 

“Chúng tôi thi công ngay trong khi có người mắc Covid-19. Đỉnh điểm, ngày 23/5, địa điểm đang lắp đặt có cả nghìn trường hợp xếp vào diện nguy cơ trở thành F0. Tiếng còi xe cứu thương không dứt, nhiều bệnh nhân khóc ngất vì nhận kết quả dương tính”, vị chỉ huy trưởng nhớ lại. 

“Viettel phải không cháu?”

Nhưng ngay giữa tâm dịch, tình người trở thành thứ nuôi dưỡng tinh thần thép của những chiến binh quả cảm. Anh Đảng kể, có khu cách ly, khi đội vừa hoàn thành nhiệm vụ, người dân vỗ tay động viên, cổ vũ. Chỉ nhìn nhau qua đôi mắt, nhưng dường như trái tim ai nấy đều chung nhịp đập, hướng về tổ quốc và quyết tâm một lòng trong công cuộc chống dịch.

Chỉ vài ngày làm việc tại tâm dịch nhưng nhiều người dân nhận ra “đội đặc nhiệm” Viettel, dù anh em không khoác trên mình chiếc áo đồng phục. Bắt gặp các chiến binh áo anh vất vả giữa trưa hè nắng gắt, nhiều khách hàng vẫn nhận ra “à, người Viettel phải không cháu”, mời nước uống, khiến anh em có thêm động lực, năng lượng để chiến đấu. Một suy nghĩ luôn tồn tại trong họ, đó là “cố gắng lên, vì người dân Bắc Giang thân yêu, vì một niềm tin cho cuộc sống bình thường nơi đây mau chóng được trở lại”.

“Phải lao vào tâm dịch mới hiểu thực tế khắc nghiệt gấp nhiều lần. Tôi vừa thương anh em, vừa lo cho sức khỏe của đồng đội. Nhưng ai nấy đều có một quyết tâm sắt đá là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rất may, lãnh đạo, chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhiều để anh em làm tốt công việc của mình mà không gặp thêm khó khăn gì”, anh Đảng chia sẻ. 

1624714858_0f3c6391f8a5e8d88e9eeb16452d26e4.jpg

1.330 camera cứ thế được lắp đặt xong chỉ trong 5 ngày. Cuối ngày 24/5, “đội đặc nhiệm” Viettel bàn giao số camera y tế cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt. Mỗi chiến binh quả cảm nở nụ cười thật tươi phía sau lớp khẩu trang, bộ đồ bảo hộ kín mít. 

Nhưng anh Đảng và anh em hiểu rằng trong công cuộc chống dịch, họ vẫn còn nhiều nhiệm vụ trước mắt cần hoàn thành. Covid-19 chưa rõ ngày kết thúc, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang còn cần trợ giúp. Sau camera, “đội đặc nhiệm” này sẽ hỗ trợ về kỹ thuật cho hệ thống Hội chẩn từ xa Telehealth, wifi phục vụ bác sĩ, bệnh nhân tại các khu cách ly cũng như khu điều trị.

Vị chỉ huy trưởng trầm ngâm: “Số ca F0, F1 vẫn tăng lên từng giờ. Xong camera của đợt này, anh em lại tiếp tục lắp thêm các mắt cho khu mới. Bắc Giang vẫn cần chúng tôi, những người chiến sĩ như chúng ta vẫn chưa thể rời chiến địa”. 

1624715031_29a80fa825013d171cb3be021e0fbf64.jpg

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *