Có BI, điều hành kinh doanh chưa bao giờ dễ thế


Để thu thập và làm giàu kho dữ liệu tập trung trong toàn Công ty và phân tích số liệu hiệu quả, Viettel Commerce mới đưa vào sử dụng hệ thống Phân tích và xử lý dữ liệu (BI).

Số hóa dữ liệu

Việc điều hành kinh doanh đóng vai trò quyết định đến hoạt động SXKD mỗi Công ty. Tuy nhiên hoạt động này lại gặp nhiều bất cập tại Viettel Commerce khi dữ liệu kinh doanh bị lưu trữ phân tán trên Excel, Word của các đơn vị trực thuộc. Tình trạng này dễ dẫn đến việc thất lạc thông tin hoặc tìm kiếm dữ liệu tốn thời gian. Bên cạnh đó, việc phân tích và xử lý dữ liệu cũng mất khá nhiều thời gian khi phải thực hiện thủ công.

Để khắc phục những bất cập này, Viettel Commerce xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống Phân tích và xử lý dữ liệu (BI). Hệ thống này có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu trong Công ty. Nguồn dữ liệu được thu thập từ các hệ thống ERP, hệ thống điều hành kinh doanh VBOS, hệ thống bán hàng Táo Quân… Sau khi thu thập, dữ liệu được lưu trữ theo các tầng của Datawarehouse.

Tức là dữ liệu trực quan cho các chỉ tiêu và KPIs chính gồm: 07 chỉ tiêu (Doanh thu, lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận gộp, chi phí, lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận trước thuế, doanh thu trừ chi phí không lương) và 3 nhóm KPIs (KPIs Dịch chuyển, hàng tồn, công nợ). Từng chỉ tiêu, KPIs được biểu thị qua các kỳ ngày, tháng, quý, năm bằng số kế hoạch, số kết quả thực hiện, so sánh với kế hoạch, cùng kỳ ngày, tháng, quý, năm và cảnh báo.

Tự động phân tích dữ liệu theo mong muốn của con người

Sau khi thu thập và lưu trữ dữ liệu, hệ thống BI sẽ tự động phân tích báo cáo và chỉ tiêu kinh doanh mà người dùng mong muốn. Hiện hệ thống BI tại Viettel Commerce có thể phân tích dữ liệu dưới 4 dạng: phân tích so sánh, thống kê; phân tích chuyên sâu, tối ưu; phân tích linh hoạt và phân tích dự báo.

Với phân tích so sánh, thống kê các chỉ tiêu, KPIs, các yêu cầu so với kế hoạch được hệ thống phân tích để so sánh với cùng kỳ, thấy được biến động, tăng giảm và xu hướng theo thời gian (tháng, quý, năm, nhiều năm..) và trực quan hóa các chỉ tiêu này. Còn đối với phân tích chuyên sâu, tối ưu hệ thống có thể phân tích chỉ tiêu, giải quyết use case theo nhiều chiều, nhiều hướng nhìn khác nhau như tổ chức, khách hàng, thời gian, địa bàn.., từ đó có thể quyết định vấn đề, cải thiện KPIs, tối ưu quy trình.

Ở phân tích linh hoạt, hệ thống khai thác dữ liệu có thể tùy biến, trực quan hóa dữ liệu theo nhu cầu, theo góc nhìn khác nhau. Phân tích dự báo là áp dụng mô hình dữ liệu (model) và dữ liệu lớn để xử lý các bài toán dự báo trong tương lai cho các Use case. Từ đó có thể đánh giá được hiệu quả sản xuất kinh doanh, xu hướng thị trường trong thời gian tới và nhu cầu của khách hàng.

Các phân tích này giúp Viettel Commerce có thể thực hiện báo cáo kinh doanh ngay tức thì khi tất cả dữ liệu đã được số hóa thay vì mất cả ngày như trước kia. Mặt khác, hệ thống BI còn giúp ban Lãnh đạo Công ty và các đơn vị trực thuộc có bức tranh tổng thể nhất về hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty, đơn vị. Cảnh báo đến từng đơn vị nếu hoạt động SXKD chưa đạt KPIs. Điều này giúp hoạt động điều hành kinh doanh tại Viettel Commerce được xuyên suốt và đồng bộ từ Công ty đến các đơn vị, xử lý nhanh những bất cập và tăng hiệu quả của công tác điều hành kinh doanh.

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *