Cùng hợp tác để biến giấc mơ nâng tầm nông sản Việt thành hiện thực


Trước sự biến động không ngừng của xã hội, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chính vì thế, khi nhận nhiệm vụ trọng yếu “đưa nông dân lên sàn thương mại điện tử” mà Bộ Thông tin và Truyền thông giao phó, VTPost đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương nhằm nắm bắt thực tế và đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả.

Ngay khi nhận được thông tin về Quyết định số 1034/BTTTT-QĐ, VTPost đã lập kế hoạch triển khai cụ thể tại 100% đơn vị chi nhánh bưu chính ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, các bước triển khai ban đầu là quan trọng nhất, bao gồm: Tìm kiếm hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân. Để thực hiện tốt kế hoạch, không thể thiếu sự phối hợp của VTPost với các địa phương, mà đặc biệt là với các hợp tác xã.

Chị Nguyễn Thị Tân, NV Phát triển Kinh doanh tại CNBC Hòa Bình thuật lại: “Việc đưa những trái cam Cao Phong lên sàn TMĐT Vỏ Sò là cả một quá trình dài với sự phối hợp của rất nhiều đơn vị, đối tác, nhân sự. Đánh giá một cách khách quan thì mối quan hệ hợp tác với các hợp tác xã là quan trọng nhất.”

Ngay từ bước đầu tiên trong việc triển khai đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đã không hề dễ dàng. Mặc dù đã được Sở TT&TT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ cung cấp danh sách hộ sản xuất nông nghiệp, nhưng để tiếp cận và đánh giá chất lượng sản phẩm tại các vườn trồng thì đội của chị Tân phải đi thực tế. Với số lượng hơn 1.200 hộ SXNN dự kiến sẽ hợp tác, việc đi khảo sát tận nơi tại từng địa điểm không phải là một cách làm hiệu quả. “Nhận ra điều đó, chúng tôi đã ngay lập tức chuyển cách làm sang phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.” Chị Tân chia sẻ.

Mỗi hợp tác xã đều đang có 10-20 hộ SXNN là thành viên. Mô hình quản lý tập trung này không chỉ giúp cho bà con nông dân có cơ hội được phát triển kinh doanh bền vững, được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng mà còn giúp cho những đơn vị như VTPost có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn.

Nhờ làm việc với hợp tác xã, việc lấy thông tin về giống cây, phương pháp trồng, tiêu chuẩn đầu ra tại các hộ SXNN đều được cung cấp minh bạch và rõ ràng. Đội của chị Tân không cần phải đến tận nơi xác minh, mà chỉ cần đi thực nghiệm theo xác suất, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình triển khai. “Nếu làm việc trực tiếp với hơn 1.200 hộ SXNN thì phải mất vài tháng, nhưng qua hợp tác xã nên chúng tôi chỉ cần khoảng 2 tuần là đã thu thập được đủ thông tin cần thiết.”

Không chỉ dừng lại ở bước tiếp cận, khi VTPost cần tổ chức các buổi tập huấn và đào tạo cho bà con nông dân, chị Tân cũng liên hệ thông qua hợp tác xã. Cách này đặc biệt hữu hiệu đối với các hộ SXNN khó tiếp cận, chưa cởi mở với việc số hóa hoạt động kinh doanh nông sản truyền thống.

Theo đó, nhân sự đầu mối tại hợp tác xã sẽ giúp liên hệ, hẹn lịch với các hộ SXNN, VTPost chỉ cần chuẩn bị kỹ các tài liệu cho buổi đào tạo tập huấn diễn ra thành công tốt đẹp. Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc và đồng hành của các hợp tác xã, tỷ lệ hộ SXNN đến tham dự buổi đào tạo tập huấn cao hơn 36%. “Chúng tôi tiếp cận với bà con chỉ như một người lạ mới quen. Còn nhân sự tại hợp tác xã đã làm việc cùng bà con lâu rồi, lời nói của họ có sức thuyết phục hơn.” Chị Tân giải thích.

Việc hợp tác giữa VTPost và các địa phương đem lại mối quan hệ lợi ích 2 chiều, không chỉ dừng lại chỉ riêng VTPost. Tại mỗi buổi tập huấn, nhóm của chị Tân đều cố gắng hỗ trợ về kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản cho các hộ SXNN, từ những chủ vườn chưa biết gì cho tới những người đã từng thử nhưng chưa thành công. Tất cả các vấn đề mà bà con gặp phải đều được đơn vị tư vấn, giải đáp cặn kẽ. Mục tiêu của VTPost là giúp tất cả các hộ SXNN có thể tự tin đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Vỏ Sò, tự vận hành kinh doanh trên môi trường số.

Cuối mỗi buổi tập huấn và đào tạo, chị Tân và các đồng nghiệp luôn kết thúc bằng một lời chúc, hi vọng bà con nông dân sẽ có thể làm chủ sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, chủ động mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, tạo tiền đề phát triển bền vững cho nông nghiệp tỉnh.

Kể về quãng thời gian kết nối với các hợp tác xã, chị Tân vui vẻ nói: “Thực ra các hợp tác xã cũng như Bưu chính Viettel, đều mang một sứ mệnh lớn lao đối với nền nông nghiệp quốc gia. Chúng tôi đến địa phương, mang theo cách làm mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa cải thiện đời sống cho bà con. Do đó, các anh chị chủ nhiệm hợp tác xã đều rất nhiệt tình và thân thiện khi làm việc với VTPost”.

Không chỉ tại riêng CNBC Hòa Bình mà cả ở Bắc Giang, Hải Dương, Đồng Tháp,… đều đang thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan chính quyền địa phương. Có thể nói, những mối quan hệ chặt chẽ và bền vững này chính là cầu nối đến với những khách hàng lẻ, giúp VTPost trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nền kinh tế nông thôn số, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao phó.

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *