Đồng hành với Huế để tiến tới đô thị thông minh

Là cố đô lịch sử trăm năm tuổi, nhưng Huế lại đi đầu trong xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam. Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị thông minh (IOC) mà Viettel hợp tác với Huế đã được nhận giải thưởng giá trị Telecom Asia Awards 2019.

Người dân được lắng nghe

Bức xúc với hiện tượng chèo kéo bán vé tham quan giá rẻ hơn giá quy định vào Lăng Minh Mạng, một người dân gửi thông tin tới Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị thông minh vào ngày 23/9/2019. Chỉ 10 ngày sau, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo kết quả xử lý của Công an Thị xã Hương Trà về sự việc này.

Hoặc một phản ánh khác ngày 14/10 về cáp viễn thông của chính Viettel bị trùng, gây nguy hiểm trước mùa mưa bão sắp tới, chỉ trong vài hôm Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế đã cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra và xử lý xong, phản hồi lại với người dân vào ngày 18.10.

Đồng hành với Huế để tiến tới đô thị thông minh

Hẳn người dân ở bất kỳ đâu cũng sẽ thấy hạnh phúc nếu được tương tác với chính quyền như cách Huế đã làm. Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường là một trong những dịch vụ của Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh (IOC) ở Huế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ người dân nào ở Huế cũng có thể gửi tới nhà chức trách trong tỉnh ý kiến phản ánh của mình về những bất cập họ nhìn thấy trong xã hội. Thông qua ứng dụng HueS, hay trang web của IOC (tuongtac.thuathienhue.gov.vn) do Viettel phát triển, người dân được lên tiếng vể những băn khoăn bức xúc của người dân về môi trường, an ninh trật tự xã hội, về du lịch, dịch vụ sự nghiệp, công ích, hành chính công…

Và quan trọng hơn, với phương thức này, người dân biết rằng tiếng nói của họ không rơi vào im lặng đáng sợ, mà sẽ được lắng nghe, được phản hồi, giải quyết. Cùng với những thông tin từ hệ thống camera giám sát hiện trường, các phản ánh từ người dân sẽ được chuyển tới IOC để xác minh, sàng lọc, phân loại rồi chuyển cho các cơ quan chức năng, các chính quyền phường xã xử lý. Trên hệ thống, danh tính của người phản ánh được giấu kín, chỉ hiện ngày giờ phản ánh và thời hạn phản ánh đó cần được trả lời. Tình trạng thông tin luôn được thể hiện rõ: Đã tiếp nhận, đang xử lý, hay kết quả xử lý thế nào đều được thông báo. 85 cơ quan đoàn thể, chính quyền phường xã ở Huế đều tham gia xử lý các phản ánh của người dân và phải có phản hồi trong 7 ngày. Qua IOC, Chủ tịch Tỉnh điều hành công việc, đánh giá trực tiếp công tác xử lý, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành. nhờ đó còn tiết kiệm được thời gian, giảm bớt sự quan liêu, văn bản giấy tờ.

Không khoảng cách

Đồng hành với Huế để tiến tới đô thị thông minh

Viettel hợp tác với Huế để xây dựng IOC từ tháng 12.2007. Ban đầu công việc thật sự nhiều trăn trở. Huế đã có quá trình xây dựng chính quyền điện tử từ cả 10 năm trước, nhưng khi tiến tới đô thị thông minh, với mong muốn của Huế về xây dựng một trung tâm giám sát điều hành, thì cả hai bên đều chưa hình dung hết quy mô, chức năng, nhiệm vụ của mô hình này. Nhiều nhà cung cấp giải pháp của nước ngoài, như IBM, Microsoft đã tiếp cận với Huế, song các giải pháp của họ đòi hỏi tiềm lực tài chính rất lớn, hơn nữa cũng còn nhiều băn khoăn liệu nó có tương thích với điều kiện, bối cảnh của Huế hay không. Nói vậy để thấy Viettel đã phải đương đầu với những đối thủ như thế nào để trở thành đối tác của Huế.

“Chúng tôi chọn Viettel hay Viettel chọn Huế là cả một quá trình tìm hiểu và hợp tác với nhau. Viettel là một tập đoàn hàng đầu. Chúng tôi nghĩ được làm việc và chuyển giao công nghệ từ một doanh nghiệp lớn là mong muốn của nhiều địa phương chứ không riêng gì Huế. Tôi đánh giá cao Viettel ở sự lắng nghe ý kiến đề xuất, mong muốn của Huế để đưa ra giải pháp phù hợp” – ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Giai đoạn đầu là hàng chục chuyến đi con thoi dày đặc Hà Nội – Huế, Huế – Hà Nội của mỗi bên. Viettel cử người vào nghiên cứu khảo sát hiện trạng của tỉnh, từ vấn đề chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, báo chí truyền thông, giao thông công chính… để đề xuất những hạng mục cần thiết. Phía khách hàng, Huế cũng đề xuất cần một hệ thống điều hành tương tác của lãnh đạo tỉnh với một số bộ ngành. Viettel hiểu rõ mục tiêu của Huế là làm sao đưa các ứng dụng thông minh vào quản lý để phục vụ được tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô.

Khi Huế yêu cầu có kênh để người dân phản ánh ngay cac bất cập trong đời sống đô thị, Viettel đã cho ra đời ứng dụng phản ánh hiện trường. Cùng những hỗ trợ phần cứng ban đầu, Viettel cũng xây dựng các phần mềm cần thiết rất nhanh, từ khi ký văn bản hợp tác là cuối tháng 12.2017 chỉ mất 6 tháng cho ra được mô hình IOC đầu tiên trên toàn quốc. “Viettel vừa làm vừa lắng nghe khách hàng. Không có sự ngăn cách giữa khách hàng với chúng tôi” – bà Trần Thị Mỹ Ngọc, người phụ trách chương trình Smart City của Trung tâm Khách hàng Chính phủ, Công ty Viettel Solution cho biết. “Cả hai bên chỉ đau đáu làm sao IOC hoạt động hiệu quả hơn. Bên nào khó thì bên kia đề xuất quy trình, hệ thống để cùng nhau xử lý”.

Đối tác đồng hành

Đồng hành với Huế để tiến tới đô thị thông minh

Tháng 12.2018, sau một năm thí điểm, Huế chính thức ban hành mô hình Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị Thông minh, lần đầu tiên trên toàn quốc, một cơ quan chính thức, thuộc Sở Thông tin Truyền thông, với định hướng sau này là cơ quan trực thuộc tỉnh. Từ một số giải pháp ban đầu, đến nay Trung tâm triển khai 10 dịch vụ: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá…

Trong đó dịch vụ phản ánh hiện trường tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Đến nay đã có hơn 10.000 lượt tải ứng dụng HueS về điện thoại, hơn 100.000 người đăng ký tài khoản trên trang web IOC, hàng nghìn phản ánh của người dân trong đủ mọi lĩnh vực được gửi đến Trung tâm và được xử lý. Nếu trước đây, hoặc vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác như bây giờ, những phản ánh của người dân mất hàng tháng, hàng năm không được lắng nghe, đòi hỏi nhiều văn bản giấy tờ của các cấp các ngành, thì ở Huế, chỉ cần gửi đến IOC là được xử lý rất nhanh. Chính việc phản ánh và xử lý kịp thời các bức xúc của người dân đã làm tạo nên hàng loạt chuyển biến trong mọi lĩnh vực, Huế trở thành thành phố văn minh, xanh sạch đẹp hơn, từ đó bảo vệ tốt hơn các di sản văn hóa lịch sử quý giá. Chủ tịch UBND Tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: Rõ ràng là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Viettel và Huế tạo ra hiệu quả thiết thực cho thành phố và người dân.

Từ nhu cầu và đặc thù của Huế, Viettel đã đồng hành với thành phố để cho ra đời một mô hình IOC “may đo” cho tỉnh. IOC hoàn toàn tương thích với công cụ chính quyền điện tử mà Huế đã xây dựng từ trước, chi phí hợp lý, với nhiều lựa chọn theo từng giai đoạn. Việc hình thành IOC cũng không “tốn” thêm nhân sự, mà dựa trên việc hợp nhất Trung tâm Công nghệ Thông tin và Trung tâm Dữ liệu Lưu trữ của Sở Thông tin Truyền thông. Gần 50 nhân sự của Trung tâm giờ đây xử lý công việc của hàng trăm người trước đây. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Huế, cho biết: IOC không mất nhiều về chi phí nhưng rất hiệu quả. Các vấn đề bức xúc của địa phương được giải quyết rất nhanh. Phó Giám đốc Công an Tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng IOC là kênh nắm bắt thông tin thực tế rất tốt. Việc triển khai IOC vừa là áp lực, vừa là động lực cho các đơn vị trong tỉnh. Áp lực từ việc họ bị giám sát, nếu xử lý bức xúc của dân không kịp thời họ sẽ bị nhắc nhở, nêu tên. Nhưng ngược lại công việc trôi nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, dứt điểm, vì thế về cơ bản các đơn vị đều đồng tình ủng hộ giải pháp mà Viettel cùng Tỉnh đã phát triển – chị Trần Thị Mỹ Ngọc cho biết. “Tỉnh rất quyết tâm, Viettel cũng thừa nhiệt tình và sự quyết liệt như truyền thống vốn có. Nhưng ban đầu, nếu để ủng hộ 100% mô hình IOC thì vẫn có những e ngại, nhưng Viettel đã thuyết phục được đối tác rằng chúng tôi sẽ đồng hành cùng anh, may đo cho anh, phối hợp với nhu cầu của anh, với các đơn vị khác…”

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Huế, Viettel mong muốn hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh Huế trở thành kiểu mẫu tại Việt Nam. Bài học về sự lắng nghe, đồng hành của Viettel đã chứng minh hiệu quả thực tiễn tại Huế. “Thừa Thiên Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt – trả lời báo chí gần đây, ông Phan Ngọc Thọ đánh giá rất cao những nỗ lực và vai trò của Viettel trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Huế. Chính những yếu tố đó đa đem lại cho giải pháp Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh Huế được giải thưởng Telecom Asia Award 2019. Các chuyên gia của giải thưởng không liên hệ với Viettel, mà họ chủ động vào Huế, tự mình phỏng vấn người dân, tự nhìn nhận đánh giá những thay đổi mà IOC đem lại. Nhiều tỉnh thành, các Bộ cũng cử đoàn đến thăm quan, lắng nghe giải pháp IOC của Huế. Viettel đã ký hợp tác về công nghệ thông tin với 23 tỉnh thành trong cả nước và vẫn còn rất nhiều dư địa, nhiều thách thức cho người Viettel tất bật, cho các giải pháp của Viettel Solution vươn xa trong năm mới.

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *