Những giải pháp góp phần xây dựng chính phủ số của Viettel


Với thế mạnh về viễn thông và CNTT, Viettel là doanh nghiệp đi đầu góp phần thúc đẩy xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử tại Việt Nam. Tính đến nay, hàng loạt giải pháp ứng dụng CNTT do Viettel nghiên cứu triển khai đã đi vào thực tế: văn phòng điện tử không giấy tờ, dịch vụ công, giáo dục số, y tế số, giao thông số, trung tâm điều hành đô thị thông minh…

Tất cả đều đã giúp thay đổi mạnh mẽ đời sống người dân/doanh nghiệp/ bộ ban ngành/ chính phủ theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ không giấy tờ

Viettel e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) là sản phẩm được Viettel Solutions, một thành viên của Tập đoàn Viettel, triển khai từ ý tưởng của Văn phòng Chính phủ, khai trương vào tháng 6/2019. Đây được xem là sản phẩm “lịch sử”, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của những người đứng đầu Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ không giấy tờ, hướng tới một Chính phủ số.

Điểm nổi bật của Viettel e-Cabinet so với các hệ thống tương tự tại nhiều quốc gia đã triển khai trước đó là không chỉ phục vụ các cuộc họp của Chính phủ, thực hiện biểu quyết, mà hệ thống này còn hỗ trợ xử lý toàn trình công việc của Chính phủ.

Hiện tại, Chính phủ có thể họp hoàn toàn phi giấy tờ với Viettel e-Cabinet và biểu quyết sử dụng ký số điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ trên các thiết bị di động. Ngay trong phiên họp, Thủ tướng có thể ký ngay Quyết định để ban hành qua mạng và ngay lập tức tới tất cả Bộ, địa phương. Theo tính toán, việc vận hành có hiệu quả hệ thống này có thể giúp Chính phủ giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, hệ thống này đã phục vụ thành công 150 cuộc họp phi giấy tờ của Chính phủ, giúp các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp gần 50.000 tài liệu giấy; thực hiện xử lý 229 phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 6.183 phiếu lấy ý kiến giấy và 28.161 hồ sơ, tài liệu kèm theo.

Phát biểu tại lễ khai trương năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nói: “Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet”. Còn Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đây là một trong những bước đi quan trọng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Dịch vụ công quốc gia trực tuyến

Trong giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Viettel tập trung xây dựng và triển khai nhiều hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử của nước nhà. Cụ thể những chương trình nổi bật như: Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Cổng dịch vụ công Quốc gia (2019) kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. 

Các hệ thống thông tin này đã được đưa vào vận hành và có sản phẩm cụ thể, tạo bước chuyển lớn trong giải quyết các mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp, vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến người dân và Doanh nghiệp. 

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho biết, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, đạt tỉ lệ 97,3% đúng hẹn. Tỉ lệ cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tăng nhanh; tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công cũng tăng, đặc biệt tại các bộ. 

Trung tâm điều hành đô thị thông minh

Năm 2018, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế – Trung tâm đầu tiên được Viettel may đo – chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm ra đời với 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá. 

Sau một năm đi vào hoạt động, nhiều bài toán khó của tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển và quản lý đô thị: phương tiện giao thông tăng quá nhanh, nội ô thành phố, đường sá quá tải, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả… đã được các giải pháp ứng dụng CNTT giải quyết một cách bài bản, minh bạch, tức thời.  

Viettel đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành thông minh đóng vai trò là bộ não tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của thành phố thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu. Đồng thời Trung tâm sẽ phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định và chỉ huy các hoạt động của thành phố, phục vụ đắc lực cho lãnh đạo và các cơ quan đơn vị.

Phát triển đô thị thông minh và bền vững là mục tiêu của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến năm 2021, Viettel đã kí kết thỏa thuận hợp tác với 23 tỉnh thành trên cả nước về triển khai các đề án xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh. 

Phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu về  thông tin đất đai 

Phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin đất đai (VBDLIS) là giải pháp phần mềm quản lý đất đai do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel phát triển, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đáp ứng cho việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai; cho phép triển khai trên toàn quốc tại Văn bản số 340/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 22/01/2021.

Trong những năm vừa qua, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã phối hợp với Viettel để xây dựng phần mềm có thể hỗ trợ kĩ thuật xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở nhiều địa phương trên cả nước: Thái Nguyên, Quảng Trị, Ninh Thuận….

Phần mềm VBDLIS nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương xây dựng, lưu trữ và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, bao gồm cả giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai tại Trung ương và địa phương. Phân hệ, thống kê kiểm kê đất đai; phân hệ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân hệ giá đất, chỉnh lý, đo đạc địa chính, quản trị, phân quyền chức năng… 

Hệ thống thông tin về đất đai không chỉ là công cụ quản lý dữ liệu, mà còn giúp vận hành công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai. Đồng thời, hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ TN&MT với các ngành thuế, hải quan…

Cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, vì vậy, bằng năng lực và kinh nghiệm, Viettel đã thiết kế hệ thống đảm bảo an toàn thông tin (cấp độ 5), dịch vụ hoạt động liên tục 24/7 bên cạnh các yêu cầu về nghiệp vụ địa chính, quy hoạch, kế hboạch, giá đất, thống kê, kiểm kê… 

Theo Bộ trưởng Tài Nguyên môi trường Trần Hồng Hà, hệ thống thông tin đất đai có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý Nhà nước, đồng thời, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách… liên quan đến đất đai. Cùng với đó, hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ TN&MT với các ngành như: Thuế, Hải quan…

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *