Viettel đón nhận 4 nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành Giáo dục

Tại Lễ Sơ kết 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác về Công nghệ thông tin và Viễn thông giữa Viettel và Bộ GD&ĐT vào 21/12/2018, bên cạnh việc ghi nhận những thành quả đóng góp của Viettel trong ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giao phó 4 nhiệm vụ trọng tâm cho Viettel trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT là một trong những ưu tiên của ngành Giáo dục nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý; trong hoạt động dạy và học.

Với mục tiêu tiên phong thực hiện Chính phủ điện tử, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Viettel cho các hoạt động của Bộ và của ngành trong thời gian tới.

Viettel đón nhận 4 nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại sự kiện.

Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu toàn ngành Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ví cơ sở dữ liệu ngành như những tế bào cần kết nối thông suốt từ đầu não trung ương tới các đơn vị địa phương. Việc kết nối được thực hiện trên một trục cơ sở dữ liệu, liên kết mọi thông tin với nhau sao cho dữ liệu đầy đủ và chính xác nhất.

Tại đó, chỉ số thống kê về ngành sẽ tích hợp chỉ số thống kê quốc gia và chỉ số thống kê giáo dục quốc tế. Hiện tại, 20 Sở GD&ĐT đang xây cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành từ Sở xuống trường học liên thông kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo cần liên tục rà soát để từng bước chuẩn hóa và quy hoạch cơ sở dữ liệu toàn ngành Giáo dục.

Triển khai hệ thống E-Office của Bộ GD&ĐT

Đánh giá cao Viettel trong việc triển khai vOffice tại Văn phòng Chính phủ, đồng chí Phùng Xuân Nhạ kì vọng Viettel sẽ hỗ trợ Bộ GD&ĐT kết nối thông tin từ Bộ tới các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, sâu hơn nữa là các cơ sở giáo dục tại 63 tỉnh, thành: “Giảm thiểu tối đa việc dùng văn bản giấy để thông tin được trao đổi nhanh, công khai, minh bạch.

Các bên có thể theo dõi chỉ đạo, cùng giám sát việc thực hiện và xử lý kịp thời vướng mắc.” Bộ trưởng kì vọng trong Quý I/2019, hai bên sẽ bắt tay thực hiện E-Office, sớm đi vào sử dụng để Bộ GD&ĐT đổi mới công tác điều hành, công tác kế hoạch theo chỉ thị của Chính phủ, Quốc hội và nhu cầu phát triển của ngành Giáo dục.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Đăng Dũng khẳng định Bộ GD&ĐT cần xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung để quản lý toàn bộ ngành Giáo dục.

Đặc biệt, việc xây dựng và đảm bảo an toàn cho dữ liệu là điểm mạnh của Viettel khi Tập đoàn sở hữu Viettel IDC – đơn vị lưu trữ dữ liệu vừa đạt chứng nhận “Hệ thống quản lý An Toàn Thông Tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27017:2015”.

Viettel đón nhận 4 nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành Giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tin tưởng Viettel sẽ hoàn thành tốt vai trò số hóa ngành giáo dục trong năm 2019.

Hỗ trợ truyền thông nội bộ ngành Giáo dục

Là ngành có khả năng tác động sâu rộng tới từng người, từng nhà nên trong bối cảnh liên tục đổi mới để hội nhập quốc tế hiện nay, ngành Giáo dục rất cần một kênh thông tin xuyên suốt trên môi trường mạng từ Bộ xuống các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục, tạo thuận lợi cho việc tương tác 2 chiều giữa cơ quan quản lý với giáo viên và học sinh mỗi khi có những chỉ đạo, hướng dẫn mới.

Theo Bộ trưởng, việc lấy ý kiến theo hướng truyền thống không hiệu quả, “không hỏi thì thiếu, mà hỏi thì thừa”, các đơn vị quản lý vẫn khó khăn khi muốn tìm hiểu thực chất những bất cập mà giáo viên và học sinh gặp phải. Nếu triển khai truyền thông nội bộ ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ phụ trách xây dựng sản phẩm, nội dung truyền thông, còn Viettel đảm bảo việc truyền dẫn thông tin trên đường truyền và quản trị hệ thống.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gợi ý Viettel nên coi đây là một “thị trường” tiềm năng với số lượng khách hàng lớn: 1,4 – 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, 24 triệu học sinh, gần 50 triệu phụ huynh. “Tôi cho rằng chỉ Viettel mới có đủ hạ tầng và công nghệ để truyền tải lượng thông tin khổng lồ giữa nhiều cá thể như vậy”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Kiến tạo xã hội học tập

Trước đây, việc học tập chỉ ở trong nhà trường, nhưng hiện nay, mọi người có thể học trực tuyến, mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, việc xây dựng kho dữ liệu gồm các bài giảng, giáo trình, học liệu điện tử để chia sẻ rộng rãi trên mạng là rất cần thiết.

Ngoài ra, việc chia sẻ tài liệu điện tử cũng giúp giảm thiểu in ấn, chống tốn kém lãng phí. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò quan trọng của Viettel trong việc xây dựng xã hội học tập mang tầm quốc gia.

Về phía Viettel, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Lê Đăng Dũng cũng cho rằng điều mà các doanh nghiệp cần mang tới cho khách hàng trong thời đại mới chính là trải nghiệm. Xây dựng kho tri thức online giúp người học tự do lựa chọn kiến thức mình quan tâm và cách thức học phù hợp, tự do trải nghiệm việc học tập.

Đồng thời, người học cũng có thể đóng góp những hiểu biết của bản thân vào kho tri thức chung, từng bước xây dựng “Hệ tri thức Việt số hóa”.

Tác giả: Viettel Đà Nẵng

Viettel Đà Nẵng luôn coi khách hàng là những cá thể riêng biệt, có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, được đáp ứng, phục vụ một cách tốt nhất và được đối xử công bằng. Bởi vậy, Viettel luôn nỗ lực ở mức cao nhất để khách hàng luôn được “nói theo cách của bạn”, nói theo phong cách của riêng mình. Đối với chúng tôi, sự hài lòng và tin cậy của Qúy khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *